Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin Huyện Yên Định như thế nào?
139 người đã bình chọn
235 người đang online

Yên Thọ với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa

100%

NÚI VÀ ĐỀN ĐỒNG CỔ

DI TÍCH LỊCH SỬ– DANH THẮNG

 

Núi và Đền Đồng Cổ Làng Đan Nê, xã Yên Thọ huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa năm 2001 được bộ văn hóa ra quyết định công nhận là “Di tích Lịch sử Quốc gia Núi và Đền Đồng Cổ”

 Từ Trung tâm thành phố Thanh Hoá theo đường Quốc lộ 45 khoảng 42 km đến Phố Kiểu. Rẽ trái ngược đê Sông Mã 3 km là đến Trung tâm khu di tích “Núi và Đền Đồng Cổ”. Hoặc có thể đi bằng đường thủy từ cầu Hàm Rồng ngược Sông Mã qua cầu Kiểu về đến núi Đồng Cổ khoảng 35 km.

 Núi Trống Đồng, Đền Trống Đồng phiên âm ra tiếng Hán là “Đồng Cổ Sơn và Đồng Cổ Tử”, cùng với tên làng Cổ phiên âm ra tiếng Hán là “Khả Lao Thôn” (nay là làng Đan Nê, xã Yên Thọ). Đã trải qua quãng đời mấy ngàn năm lịch sử.

 Thời Vua Hùng thứ nhất (năm 2569 TCN) nhà Vua đi dẹp loạn Chiêm Thành xâm lược ở phương Nam. Đại quân theo đường núi tiến đến chân núi Khả Lao nghỉ chân ở đó. Đêm đến nhà Vua mộng gặp thần núi này xin có trống Đồng, dùi đồng giúp nhà Vua đi đánh giặc. Nhà vua tỉnh dậy làm theo lời. Khi đối trận với giặc, nghe âm vang trên không tiếng Trống Đồng, tiếng kiếm kích, người Chiêm sợ hãi bỏ chạy. Quân ta thắng trận trở về. Nhà Vua phong cho thần núi Khả Lao là “Đồng Cổ Đại Vương” cho lập đền thờ.

 Sách “Đại Nam Nhất Thống Trí” phần nói về tỉnh Thanh Hoá viết về Núi và Đền này: “ Núi Đồng Cổ có tên là núi Khả Lao”. Núi nổi lên 3 ngọn núi cao thấp liền nhau như hình dáng 3 vì sao, nên gọi là Tam Thai. Phía Tả núi có Đền Thần, trong Đền có một cái trống Đồng nặng 100 kg, đường kính khoảng 2 thước 1 tấc, chiều cao khoảng 1 thước 5 tấc… Tương truyền cái trống này từ thời Hùng Vương.

Đầu thiên niên kỷ thứ 2, Thái tử Lý Phật Mã, con Vua Thái Tổ Lý Công Uốn (sau này nối ngôi Vua là Lý Thái Tông) vâng mệnh Vua cha, cũng trên đường dẹp giặc Chiêm ở phương Nam, qua núi này nghỉ đêm ở bến Trường Châu, bên chân núi Khả Lao. Canh ba đêm đó, Thái Tử mộng gặp Thần Núi, khoác chiến bào, tay cầm kiếm nói: “Tôi là Thần Đồng Cổ biết Ngài đi dẹp loạn ở phương Nam, xin cho giúp sức”. Thái Tử vui vẻ nhận lời, quả nhiên thắng trận. Trên đường trở về, Thái Tử dến Đền Đồng Cổ để tạ ơn Thần, thì Thần lại báo mộng: “Nhà Vua về ngay Thăng Long ở nhà có loạn. Thái Tử vâng lời cùng tuỳ tùng cấp tốc về Kinh. Quả nhiên như Thần đã báo mộng, 3 vị Vương làm loạn tranh ngôi. Nhà Vua kịp thời ngăn chặn được bạo loạn. Sau đó Ngài cho rước Thần Đồng Cổ từ Đan Nê về, lập đền thờ ở bắc Thành Thăng Long. Phong cho Thần Đồng Cổ là “Thiên hạ minh chủ” cho lập đàn thờ, đọc câu thề “Làm con mà trái đạo hiếu, làm bề tôi mà trái đạo trung thì Thần giết chết”. Từ đó đến nay cứ đến ngày mồng 4 tháng 4 âm lịch hàng năm ở Đền Đồng Cổ thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội có hội thề: “Trung hiếu”. Trong  Đền Đồng Cổ xã Yên Thọ ngày nay còn lưu truyền câu đối: “Thiên vi anh, địa vi linh, tất mã giang tây thanh miếu cổ – Thần đương trung, tử đương hiếu, Thăng Long thành Bắc thệ Đàn Cao” tạm dịch ra là: ở phía Tây sông Mã có một ngôi miếu cổ thờ Thần, Thần do trời đất sinh ra. ở phía Bắc thành Thăng Long có một đàn thề cao, thề rằng: Làm con phải giữ đạo hiếu, làm quan phải giữ đạo trung. Cũng như ngày nay, Bác Hồ dạy chúng ta  rằng: “Phải trung với Đảng, phải hiếu với dân”.

        Khu di tích Núi và Đền Đồng Cổ trước đây vốn nổi tiếng linh thiêng. Quanh Đền cây cối sầm uất um tùm. Đứng trên ngọn núi cao nhất nơi có quán chầu trời (Quán triều thiên) thả tầm mắt về hướng bắc ta bắt gặp Thành Nhà Hồ, chính diện hướng Đông là Chùa Giáng, phía nam là Động Hồ Công một phong cảnh tuyệt đẹp của huyện Vĩnh Lộc. Dưới quán Triều Thiên là chùa Thanh Nguyên đã được ghi trong “ Thanh Hoá Kỷ Thắng”.

                 Trên trái núi có chùa thượng đỉnh

                 Đất thiên thu mà cảnh lại bồng lai

                 Chùa tuy không còn nữa

                 Nhưng ánh chùa vẫn còn mãi với trăng sao

“Quán triều thiên sánh với Quần thiên”. Đứng đây nhìn xuống chân núi, có dòng sông quấn quýt chảy quanh, bóng người hái củi dọi xuống dòng sông, một chiếc thuyền nhẹ buông câu, khi ẩn khi hiện. Trông như bức tranh tuyệt đẹp.

Vịnh cảnh này nhà thơ đã viết.

          Hình ảnh Đền Đồng cổ

                            Ba ngọn non đăng, ngất giữa trời

                           Trèo non tưởng tượng bước thang mây

                           Sườn mây thảm lục, rêu xanh phủ

                           Núi Giáng phơi hồng, ánh đỏ cây

                           Cây cỏ um tùm, tràn bóng rợp

                           Gió thêm phảng phất, nức trời mây

                           Đất thiêng thu góp non sông đẹp

                           Phong cảnh đẹp sao, khó tả lời

        Trong lòng 3 quả núi có các hang động kỳ thú, động ích Minh thông qua núi ra sông Mã. Mùa hè trong động nhiệt độ thấp hơn bên ngoài chừng 10 độ khiến ta dễ chịu. Phía Hữu có Hang Nội mát không kém. phía Tây có cửa vòm bằng những phiến đá. Hồ bán nguyệt nằm trong thung lũng núi Tam Thai quanh năm gợn sóng lăn tăn.

                           Hồ bán nguyệt lung linh hổ phách

                           ấn Tam Thai giữ mạch long bài

          Trên vách núi trước mặt hồ có 2 tấm bia liền nhau, 1 bằng chữ Hán, 1 bằng chữ Pháp. Miêu tả cảnh đẹp của Núi và Đền, ghi nhận công đức của khách quý. Do cảch quan khu di tích vừa đẹp vừa hiểm trở lại có nhiều hang động. Trước 1945 nơi đây là điểm đi lại, là cơ sở cách mạng. Là điểm xuất phát đốt đuốc tiễn thanh niên lên đường giết giặc trong 2 cuộc kháng chiến. Năm 1948 Uỷ ban kháng chiến tỉnh Thanh Hoá chọn đây là điểm hội chợ, trường cao đẳng Giao Thông Công chính về đây giảng dạy. Năm 1949 Binh Công Xưởng Nguyễn Công Cậy về đây sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà máy điện Bình Giã Thanh Hoá đã sơ tán về đây để sản xuất điện phục vụ cho chiến tranh. Bởi vậy khu di tích luôn là điểm đánh phá của kẻ thù.

     Khai mạc lễ hội truyền thống “Núi và Đền Đồng Cổ vào sáng ngày 15 tháng 3 âm lịch  năm2018

 

 

 

 

Thanh niên trong làng tham gia rước kiệu từ Đền phúc lên Đền Đồng Cổ

Hình ảnh của đội trống Đồng Đền Đồng Cổ Phường Bưởi Hà Nội và đội trống Đồng Đền Đồng Cổ Làng Đan Nê xã Yên Thọ .

 

Trải mấy ngàn năm, biết bao cảnh biển dâu, biến đổi, nhưng huyền thoại Thần Núi Trống Đồng ứng mộng trong quân vẫn được lưu truyền cùng với cảnh đẹp núi sông làng Khả Lao xưa, một dãy núi cao thấp ba làn mà tài tử văn nhân gọi là: “Núi Tam Thai” vẫn sừng sững hiên ngang. Dòng sông Mã uốn khúc quanh co, Ngai Khánh đá trên quán chầu trời cửa vòm bằng những phiến đá, hồ trăng nửa vành, bia đá cheo leo trên cao giữa sườn núi vẫn còn đó. Cảnh đẹp thiên nhiên của núi Trống Đồng vẫn được lưu truyền trong các tác phẩm “Việt Điện U Linh”, “Lĩnh Nam trích quái”; “Đại Việt sử ký toàn thư”; “Thanh Hoá chu Thần lục”, trong bia đá do Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai chép bút, trong kiệt tác của Bảng nhân Lê Quý Đôn, trong dư địa chí của nhà Bác học Phan Huy Chú, trong Tam Thai Sơn Linh Tích của Lam Kiều Nguyễn Dật Sản…khiến người ta nghĩ rằng: Núi và Đền Đồng Cổ là một thắng cảnh nổi tiếng, đồng thời là một di tích lịch sử văn hoá có giá trị về tinh thần, truyền thống dân tộc suốt mấy ngàn năm lịch sử.

          Hàng năm vào ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch địa phương phối hợp với Làng văn hóa  Đan Nê tổ chức lễ hội truyền thống “Núi và Đền Đồng Cổ”

Nhờ có ánh sáng văn hoá của Đảng mang lại trong công cuộc đổi mới. Thể theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân trong xã và bà con xa quê hương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân đã tự tâm công đức, bước đầu mới trùng tu được 3 gian Hữu Cung và một số công trình khác làm nơi thờ phụng. So với những gì trước đây cũng chỉ mới là phần rất nhỏ. Nhưng lại có ý nghĩa lớn so với gần 6 thập kỉ bị lãng quên. Năm 2008 nhà nước đã đầu tư để trùng tu khu di tích giai đoạn 1 để gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng long đến năm 2009 khánh thành giai đoạn 1 với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng. Từ đây các thế hệ tiếp nối sẽ từng bước trùng tu khu di tích này xứng đáng với tầm cỡ của nó, trở thành điểm du lịch hấp dẫn phía bắc tỉnh Thanh. Đồng thời kính cáo các tổ chức, các nhà hảo tâm công đức để khu di tích lịch sử Núi và Đền Đồng Cổ ngày càng đẹp hơn./.                                                                                                                                                                                                                 

                                                                                                                                                                                                                       BAN QUẢN LÝ DI TÍCH

°